Thực trạng và giải pháp cải cách hành chính trong công tác hòa giải ở cơ sở
Lượt xem: 61
Thực trạng và giải pháp cải cách hành chính trong công tác hòa giải ở cơ sở

Thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở

Sự ra đời của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên nên phần lớn các tổ hòa giải trên cả nước đều hoạt động có hiệu quả.

Một số địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Các vụ việc hòa giải thành đạt 90% trở lên; Không có vụ việc hòa giải trái thẩm quyền; vận dụng linh hoạt, có hiệu quả phương pháp, cách thức hòa giải kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bên tranh chấp; chủ động mời, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong dòng họ... tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả và ưu điểm đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và tồn tại như:

Tại cấp xã, lực lượng công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều công việc, nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác hòa giải cơ sở, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã còn hạn chế, do đó, việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, tập huấn pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả còn thấp.

Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, chủ yếu được bố trí chung trong kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật nên chủ yếu phục vụ hoạt động tập huấn lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung.

Một số giải pháp cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở

Để làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, Nhân dân, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở, khắc phục những tồn tại, hạn chế, không ngừng phát huy vai trò, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các đoàn thể, tổ chức chính trị và lực lượng Công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải. Hàng năm, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp với Uỷ ban mặt trật Tổ quốc và tổ chức thành viên chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các Tổ hòa giải; tạo điều kiện và động viên, khuyến khích hội viên, thành viên của mình tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải.

Thứ hai, phát huy vai trò hòa giải là phương thức dân chủ phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Để hòa giải đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và vai trò của nó, bản thân hòa giải viên, tổ hòa giải phải biết vận dụng linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa lý và tình để giải quyết sự việc thấu tình đạt lý. Hoạt động hòa giải phải gắn liền với việc xây dựng và thực hiện các cuộc vận động, phong trào toàn dân đoàn kết và phong trào toàn dân bảo vệ ANTT ở địa phương.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của công tác hòa giải, phát huy vai trò của các chủ thể làm công tác hòa giải. Cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này.

Thứ tư, hoàn thiện về tổ chức bộ máy thực hiện hòa giải. Hàng năm, cần thực hiện rà soát, thống kê số liệu về tổ chức và hoạt động hòa giải tại các địa phương để kịp thời có biện pháp củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức tổ hòa giải và hòa giải viên.

Thứ năm, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Vì vậy, hằng năm, Phòng Tư pháp cần tổ chức tập huấn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Tổ chức hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm hòa giải hay, kỹ năng hòa giải có tính giáo dục, thuyết phục cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên.

Thứ sáu, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Hằng năm, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải đưa công tác hòa giải vào chương trình mục tiêu chung của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động hòa giải để cấp trên nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải.

Tin mới


image advertisement





file-icon

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hùng - Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ: xóm An Ninh Tây - Xã Nghĩa Hùng - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang